Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2010

Văn hóa trà Việt Nam


Trà được coi là một thức uống không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày, không những có lợi cho sức khỏe mà còn là nghi thức giao tiếp giữa con người với con người, là thú vui tinh thần khi ngồi yên lặng nhâm nhi chén trà, ngẫm nghĩ về cuộc sống nhân sinh.
Doanh nhân hướng tới trà, thưởng thức trà cũng không nằm ngoài mục đích đó. Sau những giờ làm việc căng thẳng, mệt mỏi với những cuộc họp kéo dài, vô số những bản hợp đồng, giấy tờ công văn ngổn ngang... thì những giây phút hiếm hoi thư giãn bên tách trà cùng gia đình, cùng bạn bè thân thích quả là một điều đáng quý. Vậy họ đã thật sự hiểu về nét văn hóa trà Việt hay chưa? Bài viết sau đây sẽ là cái nhìn khái quát về văn hóa trà Việt Nam.
Bản sắc văn hóa trà Việt 


Trà là quốc thủy của người Việt, là tinh chất của nền văn minh lúa nước, trà đi vào tâm hồn Việt một cách tự nhiên, tĩnh lặng. Văn hóa trà Việt không chỉ thể hiện là một thứ thức uống phổ biến trong đời sống sinh hoạt của người dân mà còn trở thành phong tục tập quán, là thú vui thanh cao của người Việt.

Từ rất lâu rồi người Việt đã có tục pha trà với nước sôi hãm nóng để uống. Trà hiện diện khắp nơi, từ mảnh vườn sau nhà ở đồng bằng, làm bạn với cây cọ Trung du, hay mọc thành rừng cổ thụ hàng vạn cây ở miền núi. Người Việt dù ở tầng lớp nào, là người miền xuôi hay miền ngược, từ thành thị đến nông thôn cũng đều coi trọng nét văn hóa trà Việt.

Trong những dịp lễ tết, lễ ma chay, cưới hỏi, trà là thứ không thể thiếu. Trà xuất hiện trên ban gia tiên của mỗi gia đình, trên mâm lễ hỏi của nhà trai sang nhà gái, trà dùng để mời khách khứa, họ hàng hai bên... Vui cũng trà, mà buồn cũng trà.

Cách thưởng thức trà ướp hương với trà sen, nhài ngâu sói, cúc, thủy tiên, lan...vừa thể hiện được sự sang trọng, lịch lãm, vừa thể hiện sự giao hòa giữa thiên nhiên, cỏ cây hoa lá và con người.

Người Việt thưởng thức trà theo từng ngụm nhỏ để thưởng thức hết cái thơm ngọt của trà và cảm nhận hơi ấm của chén trà đủ nóng bàn tay khi mùa đông lạnh giá. Uống để đáp lại lòng mến khách của người dâng trà, để dốc bầu tâm sự. Chính những cách thể hiện này tạo nên nét văn hóa, sự thanh cao, tình tri âm, tri kỷ giữa người với người. Uống trà đôi khi còn là sự độc thoại với nội tâm, là sự xét đoán tâm lý người đối thoại, là tìm đến sự tỉnh táo, tĩnh tâm, xua tan mọi phiền muộn bon chen...
Cách dùng trà thể hiện nét văn hóa của người Việt
Người Việt dùng trà dù theo cách truyền thống nào: từ độc ẩm, đối ẩm hay quần ẩm đều làm toát lên cái nét văn hóa thuần chất của người Việt. Người xưa có câu: "Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh", đó chính là cái thú "thưởng" trà thực thụ.
"Nhất thủy": để có một ấm trà ngon, trước tiên phải chú ý đến nước. Nước dùng pha trà thường phải là thứ nước mưa được hứng giữa trời, hay từ các nguồn suối tự nhiên, cầu kỳ hơn nữa là thứ sương đọng trên lá sen mà người đi thuyền hứng từng giọt vào buổi sớm mai. Thứ nước tinh khiết đó khi đun cũng không được phép mất độ thanh tịnh để không làm ảnh hưởng đến hương vị của trà.
"Nhì trà": đứng thứ hai sau nước là cách chọn trà: tùy theo sở thích mỗi người, có người thích dùng trà nguyên, hay chính là "trà mộc" cánh trà sao quăn giống hình móc câu, cánh tròn, trôi tay, có mốc trắng như mốc cây cau. Trà này được pha ở nhiệt độ 80oC, hay 165 - 170 độ F. Người thì lại thích thưởng thức trà hương: là loại trà được ướp hương từ các loài hoa: hoa sen, cúc, nhài, sói, ngâu; nước pha trà tẩm hương phải có độ sôi ở 200 - 205 độ F.
Tiếp đến là dụng cụ pha trà gồm chén trà và bình trà, "tam bôi, tứ bình": một bộ đồ trà thường có bốn chén quân, một chén tống để chuyên trà; chén thường là loại chén dạng hạt mít (mắt trâu). Bình cũng có bình chuyên và bình tống. Tùy theo lối uống "độc ẩm", "song ẩm", "tứ ẩm" hay "quần ẩm" mà có những loại bình tương ứng. Trước khi pha trà phải dùng nước sôi để tráng sơ chén và bình.
Và cuối cùng, "ngũ quần anh" chính là "bạn trà". Tìm "bạn trà" còn khó tìm hơn "bạn rượu". Vì bạn trà là người bạn tri âm, cùng nhau thưởng trà, ngâm thơ, bộc bạch nỗi niềm, hay bàn chuyện gia đình, xã hội, nhân tình thế thái để cảm thấy trong trà có cả hương vị của đất trời, cỏ cây.
Khi thưởng thức trà có thể dùng các đồ ăn nhẹ kèm với trà : kẹo lạc, kẹo vừng thanh, kẹo cu đơ, bánh cốm, bánh đậu xanh.
Minh Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét