Thứ Ba, 19 tháng 10, 2010

CHUNG TRÀ TỔ SƯ


Chút hanh vàng của mùa thu vừa đến, giữa bộn bề công việc, tôi chợt thấy mình sao yên lặng giữa tầng không. Lãng đãng đâu đây hương thơm của chén trà vừa mới pha xong. Một không gian tách rời giữa thế giới bên ngoài. Tôi lặng mình giữa phố núi, hít thật đầy chút se lạnh của tiết trời Đà Lạt vào thu.

Giữa vũ trụ lặng yên, bước chân âm thầm của lịch sử, một giường cỏ giữa những hàng thông reo, một tách trà nồng trong sương thu se lạnh. Tôi tưởng như bóng dáng một vị Sư già ngồi đó, giữa rừng thông đang du dương một khúc nhạc Thiền.
Phú quí phù vân trì vị đáo,
Quang âm lưu thủy cấp tương thôi.
Hà như tiểu ẩn lâm tuyền hạ,
Nhất tháp tùng phong trà nhất bôi.
Dịch:
Giàu sang mây nổi đến dần dà
Ngày tháng trôi nhanh chẳng đợi mà
Chi bằng tiểu ẩn[1] nơi rừng suối
Một giường gió mát, một chung trà
(Thơ văn Lý Trần)
Có gì hữu tình hơn thế, cảnh đẹp trải rộng trong khoảng không bất tận, vấn vương trong gió hơi thở nồng nàng của núi rừng. Bài thơ của ngài Huyền Quang khi tặng cho “Sĩ đồ tử đệ” (tặng con em làm quan)  đã cho vẽ nên một bức họa đầy chất thơ. Trong con người thi sĩ mang đậm chất trữ tình nhưng hàm chứa trong đó là cả một bài học về chân lý cuộc đời.  Trong thơ có cảnh, trong cảnh có Thiền sư.
Nghe trong từng câu, từng chữ của bài thơ khi đọc lên đều ẩn chứa những nguyên lý của cuộc đời. Khi thoáng nghe qua lần đầu đầu chúng ta sẽ bắt gặp nơi đây hình bóng của những con người bi quan yếm thế. Sau những năm tham gia triều chính, họ lui về rừng núi và sống cuộc dời ẩn dật. Trong dòng văn học nước nhà ta cũng thường bắt gặp những thi nhân xa rời phố thị tìm về với thiên nhiên, bỏ lại sau lưng những danh lợi buộc ràng như Nguyễn Trãi đã viết trong bài thơ:
LOẠN HẬU ĐÁO CÔN SƠN CẢM TÁC
“Nhất biệt gia sơn kháp thập niên
Quy lai tùng cúc bán tiêu nhiên
Lâm tuyền hữu ước na kham phụ
Trần thổ đê đầu chỉ tự liên
Hương lí tài qua như mộng đáo
Can qua vị tức hạnh thân tuyền
Hà thời kết ốc vân phong hạ
Cấp giản phanh trà chẩm thạch miên”
Dịch:
CẢM TÁC TRỞ VỀ CÔN SƠN SAU LOẠN
Mười năm trôi dạt muôn phương
Trở về tùng cúc sắc hương phai tàn
Suối rừng ơi,
Trót phụ phàng
Ngập trời cát bụi, bẽ bàng lắm thay
Phải chiêm bao . . .?
Làng xưa đây
Chiến tranh còn đó , may thay vẹn toàn
Bao giờ dưới núi mây ngàn
Trà pha nước suối, đá làm gối đêm[2]
Huyền Quang Thiền Sư bắt đầu cuộc sống bằng những tháng ngày nghèo khó. Theo sách Tổ gia thực lục, cha của ông tên Tuệ Tổ, có công đánh Chiêm Thành nhưng không chịu làm quan, sớm tối chỉ vui thú với sách vở và việc đồng áng. Mẹ ông là Lê Thị(?), người hiền lành. Tương truyền, dung mạo ông xấu xí, nên ông thường bị người đời hắt hủi, cả việc đi hỏi vợ nhiều nơi vẫn không thành. Nhờ tư chất thông minh, hiếu học; năm 20 tuổi, ông đỗ thi hương rồi năm sau đỗ đầu thi hội (theo Đăng khoa lục, Huyền Quang đỗ tiến sĩ năm Bảo Phù thứ hai, 1274).
Đến lúc ấy, nhiều gia đình mới lân la để gả con, nhưng ông đều từ chối. Ông chua chát viết:
“Khó khăn thì chẳng ai nhìn
Đến khi đỗ trạng, tám nghìn nhân duyên
(thơ văn Lý-Trần II)
Kể từ đó, trên dưới 30 năm, ông làm quan tận tụy nơi viện nội Hàn, từng phụng mệnh tiếp sứ giả phương Bắc, bởi ông thông thạo thư tịch, giỏi đối đáp, ứng xử…
Những trái ngang chốn quan trường đã bao lần làm trái tim ấy đã bao lần nhỏ lệ. Một tâm hồn tinh tế nhạy cảm với những thay đổi của cuộc đời để rồi một lần, ông theo vua Trần Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm huyện Phụng Nhãn dự buổi thuyết pháp. Nghe xong, ông chạnh lòng than:
“…Phú qúi vinh hoa thích thú
Đáng lo như lá vàng mùa thu, mây trắng ngày hè
Sao ta có thể lưu luyến lâu dài được ?…”
Nhờ nhà Trần rất sùng tín đạo Phật, nên sau vài lần dâng biểu xin từ quan để đi tu, ông được vua chấp thuận. Vào cửa thiền mà Thiền sư vẫn bị dòng đời “Giăng lưới bắt chim” và bị sự hiểu lầm do Điểm Bích bày ra.  Trải qua bao sóng gió của thị phi Ngài đã lẳng lặng về nơi chỉ có chiếc giường cỏ, một am tranh.  Ở đây, Ngài đã thực sự trở về với chính mình chỉ có trăng sao làm bạn và trà làm tri âm. Hai từ “tiểu ẩn” trong bài thơ đã nói lên được một chuyển biến tâm linh của Ngài trong công cuộc trở về sống với chính mình mà từ lâu đã xa nguồn, xa nơi chôn nhau cắt rốn ban sơ.
“Một giường gió mát, một chung trà”
Hành trình tìm về nguồn cội của con người yêu mến thiên nhiên, khao khát sự tĩnh lặng ấy, vẫn không sao che giấu được một trái tim giàu cảm xúc. Trong núi có khi ông ở am vắng với một tiểu đồng. Là tăng sĩ, nhưng ông cũng là nghệ sĩ. Ông có một ống sáo. Ngâm thơ, làm thơ, thổi sáo, tụng kinh, tham thiền, dạy chú tiểu học. Vị tăng thống lãnh đạo giáo hội chỉ có thể thổi sáo được trong rừng núi, ngoài chú tiểu ra chẳng có ai biết mà cười.
“Củi hết, lò còn vương khói nhẹ
Sơn đồng hỏi nghĩa một chương kinh
Tay cầm dùi mõ, tay nâng sáo
Thiên hạ cười ta, cứ mặc tình
(Ổi dư cốt đốt độc hoàng hương
Khẩu đáp sơn đồng vấn đoản chương
Thủ bả suy thương hòa mộc đạc
Tùng giao nhân tiếu lão tăng mang)
(Tổ gia thực lục)[3]
Ẩn mình trong thâm sơn cùng cốc, non cao nước biết phong cảnh hữu tình nhà Sư  ngồi yên, thở nhẹ và tận hưởng hương vị ngọt ngào của người bạn “trà tri kỷ”. Cũng vì thế, các nhà thơ bao đời ca ngợi trà như người bạn tri kỷ, và uống trà nếu muốn "đối ẩm", nhất định phải là với người tri kỷ bằng không thì chỉ độc ẩm cùng trà. Khi đọc bài "Thất oản trà" - Bảy chén trà của  nhà thơ Lô Đồng, chúng ta biết được thi nhân xưa nay yêu kính trà đến đâu:
“…….Chén thứ nhất ướt môi họng
Chén thứ hai phá cô sầu
Chén thứ ba tẩy ruột khô
chỉ còn văn tự năm ngàn quyển
Chén thứ tư ứa mồ hôi
chuyện bất bình trong đời
phát tiết tất cả ra mọi lỗ chân lông.
Chén thứ năm hình hài trong sạch.
Chén thứ sáu thông suốt tới cõi tiên linh
Chén thứ bẩy chẳng uống đặng
chỉ thấy bên vai gió nhẹ nổi.
Bồng Lai tiên cảnh là đây!”[4]
Bảy chén trà như bảy cung bậc để rửa sạch tâm hồn con người khỏi mọi nỗi trần tục. Nghệ thuật uống trà trong Phật giáo tìm ẩn những giá trị nghệ thuật sâu sắc và thể hiện nhiều ý nghĩa Thiền học. Phật pháp rất dung dị, chớ nghĩ rằng đó là cái gì đó khác thường “Phật pháp bình thường, mạc tác kỳ đặc tưởng”. Cuộc sống vốn dĩ phức tạp với bao chuyện thị phi ngang trái nhưng khi trở về làm bạn với trà là có thể nhập vào cảnh giới “thiền trà nhất vị”. Tam tổ Huyền Quang đã mở ra cho chúng ta một con đường tìm về bản tâm thanh tịnh của mình chỉ với “Một tách trà”. Con đường ấy chính là “chỉ cần để lòng mình bình dị” thì con người sẽ có thể bước vào thế giới tâm linh tĩnh lặng. Và chỉ trong thế giới tâm linh tĩnh lặng con người mới có thể “Tự ngộ thiền cơ
Qua thi ca mặc dù ngài rất ít dùng thuật ngữ của nhà Thiền nói riêng và Phật giáo nói chung. Nhưng không thể vì thế, chúng không cho chúng ta một dấu hiệu nào khả dĩ nói lên tư tưởng siêu thoát, tự tại trong Thiền sư. Chúng nói rất rõ tiến trình kinh nghiệm kỹ thuật tâm linh của ngài nhằm gởi gắm lại người sau. Chỉ ngần ấy câu cũng đủ nói lên quan niệm sống của Thiền Sư. Đó tâm trạng của một người luôn mong muốn được sống hồn nhiên, hòa mình cùng tạo vật. Từ những câu thơ ấy vẫn hàm chứa những yếu lý cơ bản của triết học Thiền tông mà tu sĩ thường thuộc nằm lòng: “Trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật”.
Một chút hương thiền còn len lõi đâu đây. Tôi nghe bước chân  của Sư đang thong dong về cuối trang sử vàng dòng Thiền Trúc Lâm. Tôi cúi đầu trước chén trà thầm kính dâng một chung trà về Tam Tổ Huyền Quang.
“Chiều về lãng đãng bóng hoàng hôn
Một bóng Sơn Tăng lạc vườn Thiền
Mây trắng trôi nghiêng về vô tận
Chung trà khói quyện gởi hồn thiêng”




[1] Tiểu ẩn là ở nơi rừng núi, trung ẩn là làm quan nhỏ, đại ẩn là ở triều đình.
[2] Bản dịch của Nguyễn Tâm Hàn
[3] Nguyễn Lang, VNPGSL, tập I, NXB Văn Học, Hà Nội

[4] Bản dịch của Vũ Thế Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét