Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2010

Nếu chỉ còn một ngày để sống


Những yêu thương, những hờn ghét sẽ đặt dấu chấm hết. Ta đi sẽ mang theo tất cả tận sâu vào lòng đất, còn người ở lại sẽ chỉ có thể giữ lại cho riêng mình sự nuối tiếc mà thôi. Có muốn được ôm, được nắm tay, được thốt lên câu ta yêu họ rất nhiều cũng không được nữa. Tất cả đã hết: duyên đã hết và kiếp người cũng đã hết. Không còn kiếp nào nữa để ta có thể sửa chửa, để ta có thể làm lại từ đầu!
Xin được trích vài câu của một bài hát vô cùng ý nghĩa của Hoài An
"Nếu chỉ còn một ngày để sống, làm sao ta trả ơn cuộc đời
Làm sao ta đền đáp bao người, nâng ta lên qua bước đời chênh vênh
Nếu chỉ còn một ngày để sống, làm sao ta chuộc hết lỗi lầm
Làm sao ta thanh thản tâm hồn, xuôi đôi tay đi giữa hừng đông...
Nếu chỉ còn một ngày để sống, muộn màng không lời hối lỗi chân thành
Buồn vì ai ta làm ai buồn, xin bao dung tha thứ vì nhau
Nếu chỉ còn một ngày để sống, chợt nhận ra cuộc đời quá đẹp
Phải chăng ta có lúc vội vàng, nên ra đi chưa được bình an".
Vậy thì em ơi, em, tôi và tất cả chúng ta từ hôm nay hãy sống sao cho thật trọn vẹn như ngày cuối cùng được sống, cho đẹp một kiếp người, em nhé! Mặc dù ai cũng có lỗi lầm, nhưng nếu biết thứ tha, nếu ta rộng lòng, nếu ta đặt mình vào vị trí của người khác mà sống thì chắc chắn: những ai đang sống sẽ có được hạnh phúc và những người đã phải xa ta cũng sẽ ngậm cười mãn nguyện ở phía bên kia thế giới. Và cũng để cho cuộc sống này không còn phải tồn tại cụm từ đầy tiếc nuối: "giá như ta...; nếu như ta..."

1 nhận xét:

  1. Cám ơn Pháp Bảo huynh đã chia sẻ 4 câu thơ và bài viết về GS Giàu. Mình post bài đó vào phản hồi trên ĐCN, dưới tên Kinh Tâm. Huynh vào xem lại, coi được không.

    Thấy huynh thích thi ca, chia sẻ với huynh một chút về Thiền thi. Mình rất thich Thiền thi Nhật, nhất là Zen Haiku. Phần sau đây là giải thích của mình về Thiền Thi nhân một trao đổi với một bạn Thiền trước đây. Nay gởi huynh đọc cho vui,
    _____

    Thiền là tĩnh lặng, nhìn mọi sự như nó là, rất rõ ràng, không mù mờ, và không bị cảm xúc xung động chi phối. Ví dụ: Nhìn mưa thì nói là "mưa" hay "mưa rơi" hay "mưa rơi tí tách", chứ KHÔNG nói là "Mưa rơi bâng khuâng" hay "mưa lê thê" hay "mưa se sắt" hay "mưa an lạc", vì khi đưa cảm xúc của mình vào mưa thì cái nhìn đó không còn tĩnh lặng, đã bị cảm xúc làm cho casi nhìn bị thiên vj và lệch lạc đi, và không còn nhìn sự vật "như chính nó là" nữa.

    Mình rất thích bài Haiku này:

    Kìa con kiến nhỏ
    Nó bò nó bò
    Trên núi Fuji

    Thiền sư thấy rất rõ của cái rất nhỏ (con kiến) và cái rất lớn (Fuji), ngang nhau, nhìn kiến cũng như nhìn núi, đó là tâm không phân biệt, với cái nhìn rất rõ, diễn tả sự vật như nó là, vẫn có một chút động, nhưng cái động hoàn toàn nằm trong cái tĩnh lặng vô cùng, và chính cái động nhỏ làm nổi bật lên cái tĩnh lặng lớn. Đó là Thiền.

    Và bài Haiku này:

    Giếng cổ
    Cóc nhảy vào
    Tủm!

    Một tĩnh lặng (giếng cổ), một chuyển động (cóc nhảy vào), một âm thanh (Tủm!). Một cái nhìn rất rõ, nhìn sự vật "như nó là". Một âm thanh rất rõ, nhưng âm thanh rất rõ, rất lớn này, lại nói trên cái yên lặng vô cùng của toàn cảnh. Đó là Thiền.

    Đa số thơ Thiền người ta viết ngày nay chẳng Thiền và chẳng tĩnh lặng một tí nào, rất nhiều cảm xúc xung động, chẳng khác gì thơ của người chưa hề học Thiền. Người ta hay nghĩ rằng nếu nói đến Phật pháp trong bài thơ thì đó là Thiền. Không phải vậy. Thiền cái nhìn đúng, thấy sự vật như nó là, không bị xúc cảm làm xung động cái nhìn, và kết quả là tĩnh lặng hoàn toàn.
    ______
    http://vanhoaphatgiaophapbao.blogspot.com/

    Vài dòng chia sẽ với Pháp Bảo huynh. Chúc huynh cuối tuần vui vẻ.

    Mến,
    Hoành

    Trả lờiXóa