Thứ Tư, 28 tháng 4, 2010

Thưởng thức trà đạo


Người Nhật có rất nhiều loại trà, cách thưởng thức cũng khác nhau. Nhân việc Chi hội Hữu nghị Việt - Nhật ra mắt CLB Trà đạo Sài Gòn với 20 hội viên, sinh hoạt pha trà mỗi chủ nhật, biểu diễn nghi thức pha trà, tổ chức các lễ hội trà, trong giới hạn của một bài viết ngắn, chúng tôi xin được giới thiệu với bạn đọc cách thưởng thức trà xanh.

1. Khung cảnh: Để có một buổi trà, chủ nhân sẽ gửi thiệp mời khách tham dự. Sau đó, trà nhân sẽ chuẩn bị rất nhiều dụng cụ cho buổi trà.
Trà thất là một căn phòng nhỏ dành riêng cho việc uống trà. Đó là một căn phòng mỏng manh, với mái tranh đơn sơ ẩn sau một khu vườn. Cảnh sắc trong khu vườn không lòe loẹt, có sỏi đá, cây với gam màu nhạt tĩnh lặng, cô tịch tạo nên cảm giác vô thường và trống rỗng của mọi sự.
Trên con đường dẫn đến trà thất, có một tảng đá lớn, mặt tảng đá được khoét thành một cái chén đựng đầy nước từ một cành tre rót xuống. Ở đây người ta thường rửa tay trước khi vào ngôi nhà nằm cuối con đường, chỗ tịch liêu nhất.
Điều thiết yếu là trà thất phải hòa nhịp với cảnh vật xung quanh, tự nhiên như cây cối và những tảng đá. Lối vào nhà nhỏ và thấp đến nỗi người nào bước vào cần phải cúi đầu xuống trong vẻ khiêm cung.
Ngay trong phòng trà cũng ngự trị một bầu không khí lặng lẽ, thường chủ nhân trải bằng thảm rơm, các bức vách trang trí bằng giấy có màu tro nhạt hay các bức thư họa. Lọ hoa tươi được cắm đơn giản mà thanh thoát làm sao tạo cho người ngắm cảm giác như đang đứng giữa khu vườn tự nhiên.
2. Dụng cụ: Một bình thủy; một bình trà, thường bằng đất nung màu đen hay nâu có cán cầm; bộ ly tách uống trà có màu thanh thoát, êm dịu; khay đựng... Ngoài ra còn rất nhiều dụng cụ lỉnh kỉnh khác như muỗng lấy trà, máng ruôn trà vào bình. Tất cả phụ thuộc vào mức độ quan trọng của cuộc uống trà và sự cầu kỳ tiếp khách của chủ nhân.
3. Cách thưởng thức. Sau khi chủ nhân pha trà với rất nhiều công đoạn công phu, tỉ mỉ và can làm sao cho đủ (không thiếu, không thừa) cho tất cả khách, mỗi người khách khoảng 50 ml nước trà. Chủ nhân sẽ rót trà ra tách (không bao giờ rót đầy một tách rồi mới rót tiếp, mà rót dàn đều nhiều vòng cho tất cả các tách, để bảo đảm chất lượng trà đồng đều). Trong thời gian này khách trà sẽ được thưởng thức bánh. Thường là một loại bánh ngọt được làm bằng bột trông như những đóa hoa anh đào chớm nở xinh xắn. Khi trà được rót ra, trà chủ sẽ xoay chén trà mời khách. Khách nhận chén trà và vái chào, đặt lên lòng bàn tay trái, dùng tay phải khẽ xoay chén trà 2 lần sao cho thấy được hoa văn đẹp nhất của tách trà, sau đó uống thật từ tốn 3 ngụm.
Trà được dùng là loại trà xanh được nghiền nhuyễn thành bột. Điểm đặc sắc của loại trà này là tuy đã qua chế biến nhưng vẫn giữ nguyên sắc xanh biếc của búp trà non, khi được pha và rót ra trong một chiếc tách màu đen sắc xanh ấy trong thật tuyệt. Khi dùng trà xong, khách sẽ xem qua tách trà với nhiều hoa văn độc đáo mà trà chủ đã cố công chọn. Tàn buổi trà, trà chủ dọn dẹp các dụng cụ pha trà xong, nếu khách ngỏ ý muốn được chiêm ngưỡng các dụng cụ thì trà chủ sẽ phải chuẩn bị làm sạch các dụng cụ.
Trong thưởng thức trà đạo 4 yếu tố chính được truyền tải là “hòa, kính, thanh, tịnh”. Chính vì vậy để chuẩn bị thưởng thức trà đạo, cả khách lẫn chủ đều phải chuẩn bị cẩn thận, hết lòng và chuyên tâm hướng về buổi trà, làm sao để tâm hồn đạt đến độ thanh thản... Và 4 yếu tố ấy như một thước đo bản thân vị trà nhân đang ở vị trí nào trên con đường trà đạo.
Nguyên Hà 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét